Tổ chức Tour de France

Tour de France được tờ báo thể thao L'Auto thành lập do muốn tăng số lượng phát hành. Tổng biên tập báo, Henri Desgrange, kiêm chức giám đốc của Tour cho đến khi ông qua đời năm 1939. Ở chức vụ này ông tập trung tất cả các quy trình quyết định tổ chức cuộc đua. Để tăng phần cuốn hút cho cuộc đua, Desgrande đưa ra chiếc áo vàng năm 1919 và chấm điểm leo núi năm 1933. Năm 1930 ông có sáng kiến thành lập các đội xe quảng cáo mà cho đến ngày nay vẫn chạy trước các cua rơ theo các chặng đua và phân phát quà quảng cáo cho người xem. Desgrange đào tạo nhà báo Jacques Goddet làm người kế thừa ông trong cả chức vụ tổng biên tập lẫn giám đốc Tour de France, theo kế hoạch là nhận chức vụ từ 1936 đến 1986.

Sau khi nước Pháp được giải phóng năm 1944, tờ L'Auto ngừng hoạt động nhưng 2 năm sau đó Goddet thành lập tờ báo thể thao mới L'Equipe, tiếp tục nhận việc tổ chức Tour de France. Năm 1965 L'Equipe bị nhóm nhà xuất bản Amaury mua lại và giám đốc gần như đang nắm toàn bộ quyền lực lúc đó là Goddet được đặt thêm một giám đốc chịu trách nhiệm về kinh tế ở bên cạnh ông. So với người đi trước, Goddet rất cởi mở trong việc cho phép đưa các cải tiến về kỹ thuật vào sử dụng: thí dụ như ngay trong năm đầu tiên làm giám đốc, năm 1937, ông đã cho phép sử dụng xe đạp có bộ số.

Qua một thời gian tạm thời, năm 1989 Jean-Marie Leblanc, như những người đi trước cũng đến từ giới báo chí, lần đầu tiên nhận chức giám đốc của Tour de France. Việc tổ chức cuộc đua được giao về cho Amaury Sport Organisation (ASO). Chủ tịch của tổ chức này, về mặt chính thức, nắm quyền kiểm soát tối cao cuộc đua, nhưng các quyết định cụ thể vẫn thuộc về Leblanc mà dưới sự lãnh đạo của ông việc thương mại hóa Tour de France đã đạt đến một mức độ chuyên nghiệp mới.

Tiền thưởng

Ngay từ khi thành lập, Tour de France đã có tiền thưởng cho các cua rơ chuyên nghiệp. Người đoạt giải nhất được trao tặng 20.000 Francs. Từ đó tiền thưởng được liên tục tăng lên. Trong Tour de France 2004 tổng cộng 3 triệu Euro đã được trao tặng trong đó có 400.000 Euro dành cho người đoạt giải chung cuộc. Mặc dù nhìn về mặt tuyệt đối đó là các con số lớn nhưng phần thưởng của Tour vẫn dưới xa các tiền thưởng thí dụ như của các giải quần vợt hay golf. Trên thực tế ý nghĩa của tiền thưởng giảm đi theo thời gian vì các cua rơ xuất sắc đạt thu nhập của họ phần lớn không từ phần tiền thưởng mà từ các hợp đồng dài hạn với các đội đua xe. Mặc dầu vậy, một cua rơ chuyên nghiệp được đánh giá rất nhiều theo kết quả trong Tour de France, vì thế nên một thành tích trong Tour có ảnh hưởng trực tiếp rất nhiều đến tài chính.

Các quy định

"La flamme rouge" trong Tour de France

Việc đánh dấu các cua rơ rất quan trọng nhằm để cho ban tổ chức cuộc đua không bị nhầm lẫn. Vì thế mà mỗi cua rơ và xe đạp đều có một bảng số. "Cơn ác mộng" của tất cả các tay đua chuyên nghiệp chính là khi xe của họ có vấn đề. Vì thế khi có hư hỏng dọc đường người trong cùng một đội hay ô tô trung lập chở phụ kiện thay thế được phép giúp đỡ. Khi có hư hỏng, chỉ được phép thay thế các bánh xe cho nhau trong cùng một đội. Bao giờ cũng chỉ được phép giúp đỡ đằng sau một nhóm cua rơ đang chạy trước hay đằng sau nhóm cua rơ chính của cuộc đua và ở vệ đường bên phải.

Ngoài ra còn có giúp đỡ về y tế. Trong trường hợp cần sự giúp đỡ của bác sĩ, cua rơ chỉ được phép nhận sự giúp đỡ từ các bác sĩ chính thức của ban tổ chức ở phía cuối của nhóm cua rơ chính.

Mỗi chặng đua đều có 1 đến 2 nơi cung cấp lương thực và nước uống được đánh dấu và ngoài ra chỉ được phép sử dụng các gói lương thực và chai nước uống đã được ban tổ chức cho phép tại những nơi này. Các cua rơ tự chịu rủi ro nếu nhận lấy lương thực và nước uống từ khán giả.

Việc vi phạm điều lệ thường hay xảy ra vì không phải lúc nào tất cả các cua rơ đều tuân theo các quy định. Tuy đã cấm không cho phép các cua rơ để các ô tô hay mô tô kéo đi hay sử dụng chúng để cản gió nhưng việc thường hay xảy ra là trong lúc thợ cơ khí sửa chữa bánh xe cua rơ lại được phép giữ chặt vào ô tô. Khi có hư hỏng thường cua rơ hay sử dụng ô tô của trưởng đội đua xe để bắt kịp nhóm cua rơ chính. Các vi phạm như vậy chưa từng bị xử lý.

Rất đáng tiếc là thường hay có cua rơ bỏ cuộc. Trong trường hợp này cua rơ phải giao lại số xuất phát cho ban tổ chức. Bên cạnh các quy định của ban tổ chức còn có nhiều điều mà đội đua nào cũng phải có trách nhiệm tuân theo, thí dụ như các đội đua không được phép dàn xếp với nhau trước, người lãnh đạo không được phép tham dự vào các hoạt động bán hàng và quảng cáo. Các cua rơ cũng không được phép trả lời phỏng vấn trong khi đua, chỉ có lãnh đạo đội mới được phép ngoại trừ trong 20 km cuối cùng.

Không có đội đua xe nào trong Tour de France mà không có lãnh đạo về thể thao. Những người này cũng phải tuân theo một số quy định nhất định. Mỗi lãnh đạo có 4 ô tô, trong số đó chỉ được phép sử dụng 2 chiếc trong cuộc đua. Ô tô bao giờ cũng phải chạy bên phải, phía sau các ô tô của ban tổ chức và của bác sĩ và chỉ được phép chạy lên phía trước sau khi có lời yêu cầu qua "Radio Tour".

Quan trọng nhất trong một chặng đua là đích đến. Gần đích đến có flamme rouge đánh dấu kilômét cuối cùng. Nếu có tai nạn xảy ra sau flamme rouge các tay đua trong sự cố sẽ nhận lấy thời gian của nhóm cua rơ cùng với họ. Flamme rouge được đưa ra từ năm 1906.

Mỗi chặng đua đều có một thời gian tối thiểu nhất định mà tất cả các cua rơ đều phải về đích trước thời gian đó. Trong suốt cuộc đua của Tour de France chỉ được phép sử dụng các chặng đường chính thức. Việc tuân thủ các quy định được giám sát viên của cuộc đua chạy trên mô tô theo dõi, nếu có vi phạm họ có thể xử lý bằng nhiều hình phạt nhất định.